Người đàn bà hai lần vào tù vì lừa đảo
28/11/2023 – 10:31
Bộ đồ phạm thùng thình vẫn không ảnh hưởng gì đến khuôn mặt ưa nhìn của Nguyễn Thị Đao. Nếu như không vì rơi vào cảnh “đại gia đất” vỡ nợ, có lẽ sắc vóc của Đao còn khiến nhiều người mơ ước. Chỉ tiếc, đoạn kết của hành trình làm giàu ấy không chỉ khiến Đao trả giá mà còn đẩy vợ chồng cô vào con đường lao lý.
Như thể biết rằng, chỉ cần đưa ra lời khai không chuẩn xác sẽ một lần nữa kéo chồng mình vào tù, nên dù HĐXX chưa hỏi đến, Nguyễn Thị Đao (SN 1990, trú khối phố Long Xuyên 2, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) cũng chủ động trả lời “không liên quan gì đến chồng của bị cáo”. Đao hiểu rõ, bốn đứa con của mình đang phải sống cảnh bơ vơ vì cha mẹ đi tù, nên cố giữ không để nhân đôi thời gian xa cách đó thêm lần nữa.
Nguyễn Thị Đao làm nghề trang điểm cô dâu, thu nhập ổn định, đủ trang trải cuộc sống. Nhưng rồi, cơn sốt đất lan nhanh đến gia đình Đao, vợ chồng cô bắt đầu tay trong tay ngoài “lướt sóng”.
Không thể phủ nhận, đất đã đem đến cho gia đình cô một cuộc sống sang chảnh của người có tiền. Thời điểm hoàng kim, đất “đẻ” ra kim cương khiến cho lòng tham của Đao không thể dừng lại. Cho đến khi “bong bóng bất động sản bị vỡ” cũng là lúc vợ chồng Đao không còn khả năng xoay xở. Để có tiền trả nợ, hai vợ chồng Đao đã cùng nhau lừa đảo. Đó cũng chính là lần thứ nhất Đao rơi vào cảnh tù tội.
Với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản này, Nguyễn Thị Đao đã bị TAND tỉnh Quảng Nam tuyên phạt 12 năm tù và chồng cô, Hồ Viết Thương (SN 1987), nhận mức án 8 năm tù cùng tội danh.
Ngày TAND TP. Đà Nẵng mở phiên tòa xét xử Đao về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức; sử dụng con dấu tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”, cả hai vợ chồng được trích xuất phạm từ Quảng Nam ra. Chồng Đao có mặt tại tòa với tư cách là người có quyền nghĩa vụ liên quan.
Đó cũng là lý do khiến Đao sợ một lần nữa chồng mình “dính” cùng trong vụ án này. Chính vì thế, Đao trước sau vẫn khẳng định trong vụ án này từ đầu đến cuối chỉ có mình cô thực hiện, chồng không hề hay biết.
Hành vi phạm tội của Nguyễn Thị Đao trong vụ án này được thể hiện, ngày 29/12/2017, vợ chồng Đao mua 1 xe ô tô nhãn hiệu Toyota Inova biển số 92A-099.00. Vì không đủ tiền nên đã có giao kết hợp đồng tín dụng vay số tiền 669 triệu đồng trong thời hạn 84 tháng. Bên mua tự nguyện thế chấp xe trên cho Công ty TNHH MTV tài chính Toyota Việt Nam để bảo đảm khoản vay.
Công ty này yêu cầu Đao và Thương phải cùng ký vào hợp đồng vay mua xe. Công ty giữ bản gốc giấy chứng nhận đăng ký xe còn giao xe cho Đao sử dụng. Sau khi mua xe, việc trả tiền gốc và tiền lãi do Đao tự trả, Hồ Viết Thương không có đóng góp gì vào việc mua xe này.
Đến tháng 7/2019, do vay mượn tiền của nhiều người không có khả năng trả nợ, Đao lên mạng xã hội Zalo và liên hệ với đối tượng (không rõ lai lịch) đặt làm giả 2 giấy đăng ký xe ô tô nhãn hiệu Toyota Inova, biển số 92A-099.00 với giá 10 triệu đồng.
Nội dung thông tin giống như giấy chứng nhận đăng ký xe mà Công ty TNHH MTV tài chính Toyota Việt Nam đã giữ bản gốc. Để đem xe đi bán cầm cố thuận lợi, ngày 25/7/2019, Đao nói Hồ Viết Thương ký xác nhận cho Đao bản cam kết chiếc xe ô tô là tài sản riêng của Đao, sau đó Đao đem xe đi cầm chiếm đoạt tiền của người khác.
Cụ thể, ngày 26/7/2019, Đao đem chiếc xe ô tô trên đến bán cho anh Nguyễn Anh T. (SN 1978, trú quận Liên Chiểu) với giá 500 triệu đồng. Ngay sau khi thực hiện xong việc bán xe và chiếm đoạt của anh T. số tiền 500 triệu đồng, Đao tiếp tục nảy sinh ý định chiếm đoạt lại xe ô tô này để tiếp tục đi cầm cố cho người khác lấy tiền.
Đao đặt vấn đề với chị Nguyễn Thị Thanh L. (SN 1977, trú quận Thanh Khê) chị ruột anh T. thuê lại chiếc xe trên để sử dụng. Chị L. đồng ý và ký hợp đồng cho thuê xe với giá 25 triệu đồng/tháng. Chị L. đưa xe kèm giấy chứng nhận kiểm định xe cho Đao giữ còn chị L. giữ lại giấy chứng nhận đăng ký xe.
Để che đậy hành vi của mình, Đao giả vờ gia hạn thời hạn thuê xe và trả tiền thuê xe cho chị L. Sau khi thuê xe đi được một thời gian, đến ngày 24/9/2019, Đao đem chiếc ô tô này đến tiệm cầm đồ trên đường Tôn Đức Thắng, TP. Đà Nẵng do chị Phan Thị Ngân H. làm chủ, cầm cố lấy 500 triệu đồng. Khi cầm cố, Đao sử dụng Giấy đăng ký xe ô tô 92A 099.00 được làm giả còn lại đưa cho chị H.
Khi được hỏi, lý do gì khiến một người phụ nữ lại có thể liều mình biến bản thân thành người tâm cơ như vậy, Đao không do dự trả lời… vì tiền. Đao khai do làm ăn thua lỗ, nợ nần chồng chất, khi tiền trong túi không còn phải bấm bụng đi vay nóng. Và rồi, để có tiền trả lãi vay nóng, bị cáo hết lần này đến lần khác “nhắm mắt” để thực hiện hành vi lừa đảo nói trên.
Đó cũng là lý do lần thứ hai Nguyễn Thị Đao bước chân vào tù.
Từng nghĩ sẽ cho bốn đứa con một cuộc sống đủ đầy về mọi mặt mà không ngừng cố gắng, nhưng cuối cùng vợ chồng Đao lại khiến các con mất đi một gia đình trọn vẹn.
Với mức án 12 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và 3 năm tù về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức; sử dụng con dấu tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” mà HĐXX TAND TP. Đà Nẵng tuyên hôm nay, cộng với 12 năm của bản án TAND tỉnh Quảng Nam tuyên trước đó, Đao phải mất đến 27 năm để có ngày trở về.
Kết đắng của nữ bị cáo ở Hà Nội sau 10 năm trốn truy nã
28/11/2023 – 18:05
TAND TP. Hà Nội vừa mở phiên tòa xét xử và tuyên phạt bị cáo Hà Thị Nga (SN 1980, trú tại thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội) mức án 20 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo cáo trạng truy tố, tháng 11/2011, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội nhận được đơn của anh Nguyễn Hoàng L. cùng nhiều cá nhân khác tố cáo Hà Thị Nga. Trong đơn, họ tố bị cáo Nga có hành vi nhận tiền đặt mua các mặt hàng công nghệ điện tử của hãng Apple như: Iphone, Ipad, Macbook, phụ kiện điện tử,… hoặc vay tiền của họ, sau đó bỏ trốn khỏi nơi cư trú, không trả hàng và chiếm đoạt tiền.
Do Hà Thị Nga bỏ trốn khỏi nơi cư trú, ngày 12/4/2012, Cơ quan CSĐT Công an TP. Hà Nội ra quyết định truy nã. Sau 10 năm lẩn trốn, tháng 12/2022, Hà Thị Nga bị bắt tại TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Quá trình điều tra xác định, năm 2010, Hà Thị Nga là chủ cửa hàng kinh doanh quần áo trẻ em “Shop Nhím Bông”.
Đầu năm 2011, Nga giới thiệu với những người quen biết mình về việc có thể nhập hàng công nghệ điện tử của hãng Apple từ nước ngoài về Việt Nam với số lượng lớn, giá rẻ hơn giá thị trường… để nhận tiền đặt mua hàng hoặc vay tiền của nhiều người để kinh doanh.
CQĐT xác định, trong khoảng thời gian từ tháng 4/2011 đến tháng 11/2011, Hà Thị Nga đã chiếm đoạt tiền của 10 bị hại hơn 17,5 tỉ đồng. Trong đó, anh Nguyễn Hoàng L. nhiều lần chuyển tiền cho Nga để đặt các sản phẩm của Apple theo hình thức đặt cọc 50%/tổng giá trị đơn hàng.
Sau khoảng 5 – 7 ngày, Nga trả đủ hàng, anh L. sẽ thanh toán 50% số tiền còn lại. Ban đầu, Nga đều trả hàng cho anh L. đầy đủ, đảm bảo chất lượng.
Khoảng giữa tháng 9/2011, anh L. đã 2 lần chuyển cho Hà Thị Nga tổng số gần 1,7 tỉ đồng để đặt mua hàng, Nga hẹn sau 3 ngày sẽ trả đủ hàng.
Tuy nhiên, đến hạn, Nga không trả hàng cho anh L. mà xin khất hẹn với nhiều lý do: vận chuyển, thủ tục nhập hàng bị chậm, khó khăn.
Tương tự thủ đoạn trên, Nga còn chiếm đoạt số tiền 3,1 tỉ đồng của chị Vũ Ngọc L. Ban đầu, Nga vay tiền chị L. để nhập hàng, mỗi lần 50-70 triệu đồng và đều trả tiền đầy đủ, đúng hạn kèm theo tiền cảm ơn 10 triệu đồng.
Sau này, Nga hỏi vay số tiền lớn hơn, hứa hẹn trả lãi suất 8%/tháng nhưng bị cáo đã không trả nợ đúng hẹn mà bỏ trốn.
Tại CQĐT, bị cáo khai do làm ăn kinh doanh thua lỗ, không có tiền trả cho các bị hại nên bỏ trốn vào Pleiku, tỉnh Gia Lai ở khoảng 2 tháng. Sau đó, có nhiều người đến nhà mẹ đẻ tìm Nga đòi tiền. Vì vậy, Nga tiếp tục bỏ trốn vào Nha Trang, Khánh Hòa thuê trọ ở nhiều nơi, không có nơi ở cố định.
Tháng 5/2014, Nga đến chơi nhà anh trai ở Pleiku thì phát hiện trong sổ hộ khẩu gia đình có ghi thông tin Nguyễn Thị Vân ở Thái Bình, nhập khẩu nhờ. Để trốn tránh pháp luật, Nga đã tự ý lấy sổ hộ khẩu của gia đình anh trai, mạo danh là Nguyễn Thị Vân.
Cũng trong tháng 5/2014, bị cáo kết hôn và làm thủ tục chuyển hộ khẩu mang tên Nguyễn Thị Vân về địa chỉ nhà chồng.
Đến tháng 12/2022 thì Nga bị bắt theo lệnh truy nã.
Sau khi nghị án, căn cứ vào toàn bộ hồ sơ vụ án, các tình tiết liên quan cũng như diễn biến tại phiên tòa, HĐXX sơ thẩm TAND TP. Hà Nội đã quyết định tuyên phạt bị cáo Hà Thị Nga với mức án và tội danh như đã nêu trên.
Lừa góp vốn kinh doanh chiếm đoạt tiền tỷ, nam thanh niên lĩnh 12 năm tù
29/11/2023 – 19:40
Ngày 29/11, TAND TP. Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và đã tuyên phạt bị cáo Đỗ Minh Tú (SN 1993, trú ở xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội) 12 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Bị hại trong vụ án là chị Lê Thị Thu H (SN 1987, ở Ba Đình, Hà Nội).
Theo cáo trạng truy tố, khoảng tháng 5/2021, thông qua mạng xã hội Facebook Đỗ Minh Tú quen biết chị Lê Thị Thu H. Tú giới thiệu với chị H là bị cáo đang sống độc thân và làm nghề kinh doanh đầu tư tài chính, chứng khoán trên các trang Web “OS.com” và “OS600.com” khá thành đạt, có lợi nhuận cao.
Tú sau đó rủ chị H góp vốn cùng tham gia đầu tư tài chính. Tuy nhiên, chị H từ chối do thấy rủi ro cao.
Đến ngày 25/11/2021, trang Web “OS.com và OS600.com” ngừng giao dịch và không cho người đầu tư rút tiền. Nếu rút tiền phải xác thực tài khoản bằng hình thức nộp thêm 20% số tiền hiện còn đầu tư có trong tài khoản của trang Web. Lúc này, tài khoản của Tú còn 600 triệu đồng. Tú lo tài khoản bị khóa nên phải nạp thêm 120 triệu đồng (tương đương 20%). Do không có tiền để nạp vào tài khoản, Tú nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản của chị Lê Thị Thu H.
Thực hiện tội phạm, ngày 19/12/2021, Tú liên hệ với chị H và giới thiệu Tú đang kinh doanh hoa sáp, nến phục vụ dịp Lễ Noel và Tết năm 2022 có lợi nhuận cao từ 25% – 30% trị giá đơn hàng. Nếu chị H cùng góp vốn đầu tư, lợi nhuận hai bên chia đôi.
Hiện, Tú có nhiều đơn đặt hàng của khách với số lượng lớn, nhưng Tú không đủ vốn để nhập hàng. Tú rủ chị H góp vốn cùng kinh doanh hoa sáp, nến.
Tin tưởng thông tin Tú giới thiệu, ngày 20/12/2021, chị H chuyển cho Tú 140 triệu đồng. Để chị H tin tưởng Tú đã sử dụng tiền vào việc kinh doanh hoa sáp, ngày 21/12/2021, Tú chuyển 100 triệu đồng vào tài khoản mang tên Lê Minh H (là bạn Tú) với nội dung: “Em Tú trả tiền cọc 200 thùng hoa”. Sau đó, Tú chuyển nội dung giao dịch này qua tin nhắn Zalo cho chị H xem, mục đích để chị H tin Tú đã đặt hàng hoa sáp với số lượng lớn.
Thực tế, sau khi nhắn tin cho chị H xong, Tú liên hệ với bạn, đề nghị chuyển lại cho mình số tiền trên. Nhận lại tiền từ bạn, Tú chuyển toàn bộ tiền này vào trang Web “OS.com và OS600.com”, rồi rút ra được số tiền 160 triệu đồng. Cùng ngày, Tú thông báo với chị H đơn hàng này lợi nhuận được 28 triệu đồng, Tú sẽ trả chị H tiền gốc và 20 triệu đồng tiền lợi nhuận đầu tư…
Ngày 22/12/2021, Tú vào trang Web“OS.com và OS600.com” để rút tiền, nhưng tiếp tục bị báo lỗi với thông báo muốn rút tiền phải nộp tiền vào để xác nhận tài khoản.
Để có tiền nạp vào tài khoản, Tú tiếp tục nói dối chị H về việc có khách đặt 300 thùng hoa sáp, nến. Tú đề nghị chị H chuyển tiếp tiền góp vốn cùng Tú mua hàng để giao cho khách. Cùng ngày, chị H đã chuyển tổng số 140 triệu đồng cho Tú.
Nhận tiền, bị cáo tiếp tục nạp toàn bộ vào trang Web“OS.com và OS600.com”, rút ra được 150 triệu đồng. Sau đó, Tú nhắn tin cho chị H với nội dung đơn hàng trên được lãi 40 triệu đồng, Tú sẽ trả cho chị H tiền. Vẫn chiêu thức cũ, Tú tiếp tục đưa ra thông tin gian dối với chị H về việc có khách hàng đặt hoa sáp, nến với số lượng lớn. Tin tưởng, chị H một lần nữa chuyển tiền đầu tư cho bị cáo.
Cơ quan chức năng xác định, từ ngày 20-12-2021 đến ngày 24-12-2021, chị H đã chuyển cho Tú tổng số hơn 1,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi nhận được tiền của chị H, Tú không thực hiện mua hoa sáp, nến như thỏa thuận, mà chuyển toàn bộ tiền vào trang Web “OS.com và O$600.com” và bị thua lỗ hết, không rút được tiền ra.
Quá trình giải quyết vụ án, Đỗ Minh Tú mới trả lại cho chị H được hơn 300 triệu đồng và còn chiếm đoạt hơn 930 triệu đồng…
Ngoài hình phạt từ nêu trên, HĐXX còn tuyên buộc bị cáo Tú phải khắc phục toàn bộ số tiền còn chiếm đoạt cho bị hại.
Lừa bán tài sản đã thế chấp ngân hàng để chiếm đoạt tiền cọc
29/11/2023 – 19:59
Ngày 29/11, tin từ Công an huyện Nghi Lộc (Nghệ An) cho biết, đơn vị vừa ra thông báo tìm bị hại liên quan đến vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần gạch ngói Sông Lam.
Theo tài liệu điều tra ban đầu, từ năm 2012, Công ty cổ phần Gạch ngói Sông Lam (có địa chỉ xóm 10, xã Nghi Hoa, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) đã ngừng hoạt động và tất cả các tài sản trong khuôn viên Công ty đã thế chấp để vay vốn tín dụng tại ngân hàng.
Tuy nhiên, lợi dụng chức vụ của mình, Đào Văn Tuấn (53 tuổi, Chủ tịch Hội đồng quản trị) và Hồ Đình Tùng (44 tuổi, Giám đốc Công ty Cổ phần gạch ngói Sông Lam) vẫn ký kết các hợp đồng kinh tế với các đơn vị trong và ngoài tỉnh Nghệ An để bán các tài sản này, nhằm mục đích chiếm đoạt số tiền cọc trong các hợp đồng kinh tế.
Theo cơ quan điều tra, tại Nghệ An, Tuấn và Tùng đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của một bị hại với số tiền hơn 300 triệu đồng.
Ngày 28/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Nghi Lộc đã khởi tố bị can đối với Đào Văn Tuấn và Hồ Đình Tùng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Để phục vụ điều tra mở rộng vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Nghi Lộc thông báo tìm bị hại, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói trên, nhanh chóng liên hệ Công an huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An để được phối hợp giải quyết.
Đối tượng lừa đảo chiếm đoạt hàng tỷ đồng ra đầu thú
02/12/2023 – 16:08
Ngày 2/12, thông tin từ Công an tỉnh Gia Lai cho biết, đối tượng Trần Thị Thu Trân vừa đến Công an thị xã An Khê đầu thú về hành vi vay 4,8 tỷ đồng, sau đó không trả rồi cùng chồng bỏ trốn khỏi nơi cư trú.
Theo thông tin ban đầu, vào ngày 13/11, Công an thị xã An Khê tiếp nhận đơn của bà N.T.B.H (trú tại thị xã An Khê) trình báo về việc bản thân cho Trần Thị Thu Trân (SN 1980; trú Tổ 8, phường An Phú, thị xã An Khê) mượn số tiền 4,8 tỷ đồng. Hẹn ngày trả nợ 09/11/2023.
Đối tượng Trần Thị Thu Trân vừa đến Công an thị xã An Khê đầu thú.
Vậy nhưng, khi đến ngày hẹn, không những Trân không trả lại số tiền trên mà còn bỏ trốn khỏi địa phương không ai liên lạc được.
Ngày 17/11, Cơ quan CSĐT Công an thị xã An Khê ra Quyết định truy tìm người đối với Trần Thị Thu Trân.
Đến ngày 26/11, biết không thể lẩn trốn nên Trần Thị Thu Trân đã đến Công an thị xã An Khê đầu thú và khai nhận sự việc.
Cụ thể, từ năm 2020 đến nay, do kinh doanh thua lỗ, nên Trân đã vay tiền của nhiều người nhằm mục đích duy trì trả lãi các khoản vay của người dân và ngân hàng. Sau khi vay của bà H. 4,8 tỷ đồng, Trân cùng chồng bỏ trốn vào TP. Hồ Chí Minh và tắt mọi phương thức liên lạc nhằm chiếm đoạt số tiền của bà N.T.B.H.
Hiện, vụ việc đang được Công an thị xã An Khê điều tra, xử lý theo quy định.
Gần 100 người “sập bẫy” lừa đảo mua số lô, số đề trên mạng
01/12/2023 – 20:33
Với thủ đoạn lừa bán số lô, số đề qua mạng, Nguyễn Văn Hiệp đã thực hiện trót lọt hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của gần 100 bị hại, với tổng số tiền khoảng 350 triệu đồng.
Ngày 1/12, Công an huyện Hậu Lộc (tỉnh Thanh Hóa) cho biết, đơn vị vừa khởi tố vụ án, tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Văn Hiệp (SN 1999, ở xã Vạn Thái, huyện Ứng Hòa, TP. Hà Nội) để điều tra, làm rõ về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Đối tượng Nguyễn Văn Hiệp bị bắt giữ.
Trước đó, Công an huyện Hậu Lộc đã tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm của anh V.V.Đ. ở xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội.
Theo đơn trình báo, trong khi sử dụng mạng xã hội, anh Đ. thấy tài khoản facebook có tên “Duy Hipp” đăng bài rao bán số lô, số đề. Khi trao đổi thì chủ tài khoản này cam kết mua được kết quả từ Công ty xổ số kiến thiết miền Mắc và cho xem các hình ảnh, văn bản có đóng dấu của “Hội đồng xổ số miền Bắc”.
Tin là thật, ngày 16/11, anh Đ. đã mua kết quả xổ số kiến thiết miền Bắc của “Duy Hipp” qua mạng với tổng số tiền 3,5 triệu đồng và được đối tượng cung cấp số để đánh với lời hứa 100% sẽ trúng.
Tuy nhiên, anh Đ. đã không trúng như lời các đối tượng đã hứa. Biết bị lừa, anh Đ. đã viết đơn trình báo cơ quan Công an.
Quá trình điều tra, Công an huyện Hậu Lộc có đủ chứng cứ xác định Nguyễn Văn Hiệp là đối tượng đã thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức mua bán số lô, số đề nói trên. Đồng thời ra lệnh bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Nguyễn Văn Hiệp.
Tiến hành khám xét nơi ở của Hiệp, cơ quan Công an thu giữ tang vật gồm 1 bộ máy vi tính, máy in, 1 điện thoại di động, 5 con dấu các loại, 1 thẻ ATM, 1 căn cước công dân, nhiều bản hợp đồng xổ số kiến thiết miền Bắc…
Theo kết quả điều tra ban đầu, khoảng tháng 5/2023, Nguyễn Văn Hiệp lên mạng xã hội tìm kiếm và học được phương thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng bằng hình thức mua bán số lô, số đề.
Sau đó, đối tượng mua sim điện thoại rác để đăng ký tài khoản Zalo mang tên “Nguyễn Bảo Long” và mua một tài khoản ngân hàng của Quân đội (MB) mang tên Luu Duc Hai rồi lập hàng chục nick facebook ảo để quảng cáo, rao bán số lô, số đề và thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Chỉ tính từ tháng 6/2023 đến khi bị bắt, Nguyễn Văn Hiệp đã thực hiện trót lọt hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của gần 100 bị hại, chiếm đoạt số tiền khoảng 350 triệu đồng.
Hiện vụ án đang tiếp tục được điều tra, mở rộng.
发表回复