2024.12.20 Vụ FLC: Bất ngờ số tiền gia đình ông Trịnh Văn Quyết nộp thêm ngay trước phiên xử phúc thẩm
Tại phiên sơ thẩm, ông Trịnh Văn Quyết cho biết đã nộp hơn 235 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.
Ngày 26/12, TAND Cấp cao tại Hà Nội dự kiến sẽ xét xử phúc thẩm đối với ông Trịnh Văn Quyết(Cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC, Chủ tịch CTCP Hàng không Tre Việt) và 25 bị cáo trong vụ “đại án” xảy ra tại Tập đoàn FLC và các công ty liên quan.
Mới đây, cơ quan chức năng vừa ghi nhận thêm số tiền mà bị cáo Quyết nộp khắc phục.
Theo đó, ngày 13/12, vợ của cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết đã nộp 203 tỷ đồng để khắc phục hậu quả cho chồng. Đến ngày 19/12, người nhà nộp thêm 150 tỷ đồng, nâng số tiền nộp thêm lên 353 tỷ đồng.
Tại phiên sơ thẩm, ông Trịnh Văn Quyết cho biết đã nộp hơn 235 tỷ đồng để khắc phục hậu quả. Ông cũng khẳng định rằng, tại thời điểm bị khởi tố và bắt tạm giam, toàn bộ số tài sản bị phong tỏa và kê biên ước tính khoảng 5.000 tỷ đồng. Bị cáo đề nghị cơ quan tố tụng cho phép bán các tài sản này, bao gồm cả cổ phiếu FLC, để tiếp tục khắc phục hậu quả.
Như vậy, tổng số tiền ông Quyết và gia đình đã nộp để khắc phục hậu quả là gần 590 tỷ đồng.
Ông Trịnh Văn Quyết đã có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt 21 năm tù, và giảm trách nhiệm bồi thường dân sự.
Tương tự, hai em gái của ông, Trịnh Thị Minh Huế và Trịnh Thị Thúy Nga, cũng đề nghị giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Phiên tòa phúc thẩm diễn ra từ ngày 26/12, dự kiến có khoảng 30 luật sư tham gia, trong đó 7 luật sư đăng ký bào chữa cho ông Quyết.
2024.12.19 Cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết chuẩn bị hầu tòa phúc thẩm
Ngày 26/12 tới đây, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên xét xử phúc thẩm vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC và các đơn vị liên quan.
Phiên tòa được mở do có kháng cáo của nhiều bị cáo, bị hại và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Vụ án được xét xử kéo dài trong nhiều ngày liên tục.
Hội đồng xét xử (HĐXX) phúc thẩm gồm 3 thẩm phán. Thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động xét xử phúc thẩm là 2 kiểm sát viên, thuộc Viện kiểm sát nhân dân Cấp cao tại Hà Nội.
Trong vụ án này, bị cáo Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC) kháng cáo xin giảm nhẹ mức án phạt tù và xem xét, giảm trách nhiệm bồi thường dân sự đối với bị cáo trong vụ án.
Cũng giống như anh trai, hai em gái của bị cáo Quyết là Trịnh Thị Minh Huế và Trịnh Thị Thúy Nga đều kháng cáo xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bản thân.
Bên cạnh đó, 23/50 bị cáo trong vụ án cũng kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, xin hưởng án treo, xin gỡ bỏ phong tỏa về tài sản hoặc kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
Hiện có khoảng 30 luật sư đăng ký tham gia phiên tòa để bào chữa cho các bị cáo. Trong đó, bị cáo Trịnh Văn Quyết có 7 luật sư bào chữa; bị cáo Trịnh Thị Minh Huế có 2 luật sư bào chữa,…
Trước đó, chiều 5/8, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã công bố bản án sơ thẩm đối với cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết cùng 49 bị cáo trong vụ án Thao túng thị trường chứng khoán và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn FLC và các đơn vị liên quan.
Theo đó, HĐXX sơ thẩm quyết định tuyên phạt bị cáo Trịnh Văn Quyết 21 năm tù đối với 2 tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Thao túng thị trường chứng khoán.
Cùng bị kết án về 2 tội danh này, Trịnh Thị Minh Huế bị tòa tuyên phạt 14 năm tù, Trịnh Thị Thúy Nga bị áp dụng 8 năm tù.
HĐXX nhận định, trong vụ án này, bị cáo Trịnh Văn Quyết là chủ mưu. Bị cáo Trịnh Thị Minh Huế bị tòa án xác định là người thực hành tích cực, nhận chỉ đạo từ anh trai để thực hiện hành vi sai phạm, giúp sức cho Quyết thu lợi bất chính số tiền đặc biệt lớn…
2024.12.18 Lý do tòa bác kháng cáo của người mẫu Trà Ngọc Hằng
Vụ kiện liên quan người mẫu Trà Ngọc Hằng kéo dài suốt thời gian qua chính thức khép lại.
Chiều 18-12, TAND TP HCM đã tuyên án phúc thẩm trong vụ kiện giữa bà Trà Ngọc Hằng (34 tuổi, người mẫu) và ông Nguyễn Quang Tấn (39 tuổi), liên quan đến việc ông Tấn đòi lại 2,5 tỉ đồng. Phiên tòa được mở do bà Hằng kháng cáo và đề nghị hủy bản án sơ thẩm của TAND TP Thủ Đức.
Tuy nhiên, tại phiên tuyên án, cả nguyên đơn lẫn bị đơn đều vắng mặt. Trước đó, phiên phúc thẩm chính thức được mở vào ngày 9-12 và nghị án kéo dài cho đến nay.
Tòa án cấp phúc thẩm xác định yêu cầu của bà Hằng là được miễn trừ số tiền 2,5 tỉ đồng phải trả cho nguyên đơn. Tuy nhiên, trong quá trình xét xử, các chứng cứ mà bà Hằng cung cấp, bao gồm các vi bằng thể hiện tin nhắn qua lại giữa bà và ông Tấn, không đủ thuyết phục để chứng minh có thỏa thuận giữa hai bên rằng nếu ông Tấn không đóng lãi, khiến bà Hằng bị nợ xấu, thì bà sẽ được miễn trừ số tiền 2,5 tỉ đồng đã nhận.
Vì vậy, tòa phúc thẩm đã tuyên không chấp nhận kháng cáo của bà Hằng, đồng thời buộc bà phải trả lại 2,5 tỉ đồng cho nguyên đơn (cùng số tiền lãi phát sinh). Bà Hằng còn phải chịu hơn 82 triệu đồng tiền án phí.
Tòa án cũng nhấn mạnh rằng trong quá trình thi hành án, cả bà Trà Ngọc Hằng và ông Nguyễn Quang Tấn đều có quyền thoả thuận với nhau về cách thức và thời gian thực hiện việc thi hành án.
Theo hồ sơ, vào năm 2020, bà Hằng đã liên hệ với ông Tấn để vay tiền kinh doanh. Ông Tấn đã giao cho bà Hằng một miếng đất tại huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng làm tài sản đảm bảo cho khoản vay ngân hàng trị giá 13,2 tỉ đồng. Sau khi giải ngân, bà Hằng nhận 2,5 tỉ đồng từ khoản vay, trong khi ông Tấn nhận 10,7 tỉ đồng.
Hai bên đã thỏa thuận sẽ cùng gom tiền lãi để đóng cho ngân hàng nhưng sau một thời gian, bà Hằng không thực hiện nghĩa vụ này, dẫn đến kiện tụng. Ông Tấn cho rằng bà Hằng đã đăng thông tin sai sự thật lên mạng xã hội, làm thay đổi bản chất vấn đề, vì vậy ông đã khởi kiện.
Về phần mình, bà Hằng khai rằng do ông Tấn cần số tiền lớn để kinh doanh nhưng đang có nợ xấu tại ngân hàng nên nhờ bà đứng ra vay giúp. Bà Hằng đã vay 11,2 tỉ đồng từ ngân hàng, giao cho ông Tấn 9 tỉ đồng, hai bên thỏa thuận đóng lãi tương ứng với phần tiền đã nhận. Bà Hằng cũng yêu cầu ông Tấn phải đóng đúng hạn, không để bà bị nợ xấu. Nếu bà bị nợ xấu, bà sẽ không trả nợ gốc.
Tuy nhiên, trong quá trình vay thêm 2 tỉ đồng, ông Tấn không đóng tiền lãi cho khoản vay trước đó, khiến bà Hằng phải đứng ra đóng lãi cho cả khoản vay 13,2 tỉ đồng. Bà Hằng đã nộp vi bằng làm chứng cứ cho lời khai của mình.
Tại phiên sơ thẩm, TAND TP Thủ Đức đã nhận định rằng ông Tấn là người thực tế trả khoản nợ vay 13,2 tỉ đồng cho ngân hàng, bà Hằng nhận 2,5 tỉ đồng từ khoản vay này. Tuy nhiên, nội dung những vi bằng mà bà Hằng nộp cho toà không chứng minh được thỏa thuận như bà trình bày. Do đó, Tòa quyết định buộc bà Hằng phải trả lại 2,5 tỉ đồng cho ông Tấn.
Ngày 9-12, phiên xét xử phúc thẩm đã được mở tại TAND TP HCM. Quá trình tranh tụng tại tòa, đại diện VKSND TP HCM đã đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm, xác định trách nhiệm của bà Hằng trong việc không thực hiện nghĩa vụ đóng lãi và việc không chứng minh được thỏa thuận như bà khai. HĐXX đã tuyên án buộc bà Hằng phải trả lại 2,5 tỉ đồng cho ông Tấn, đồng thời bác bỏ yêu cầu hủy bản án sơ thẩm của bà Hằng.
Người mẫu Trà Ngọc Hằng được biết đến với vẻ ngoài xinh đẹp và sự nghiệp người mẫu chuyên nghiệp, tham gia nhiều chương trình thời trang lớn, các sự kiện trong ngành giải trí tại Việt Nam. Đây cũng là một gương mặt quen thuộc trong các chiến dịch quảng cáo, quảng bá sản phẩm, đặc biệt là trong lĩnh vực thời trang và làm đẹp.
Tuy nhiên, Trà Ngọc Hằng cũng gây chú ý với một số lùm xùm, như trong vụ kiện với ông Nguyễn Quang Tấn, đòi lại số tiền 2,5 tỉ đồng.
—
发表回复