Vietnam! bị cáo, Hàng loạt phòng khám đa khoa của người Trung Quốc sử dụng giấy tờ giả, Mất gần 1.5 tỷ đồng vì liên lạc với “người thân” qua Facebook 2025.4.1-4.1

2025.4.1 Hàng loạt phòng khám đa khoa của người Trung Quốc sử dụng giấy tờ giả
Bị cáo Lin Chao Yang (áo trắng đứng giữa) quanh co chối tội trước HĐXX.

Chủ nhân của các phòng khám đa khoa này đã đặt mua các giấy tờ giả và nộp lên cơ quan chức năng nhằm xin cấp phép hoạt động.

Ngày 1-4, TAND TP Đà Nẵng mở phiên xét xử sơ thẩm đối với Lin Chao Yang (54 tuổi, Quốc tịch Trung Quốc), Phạm Thị Quỳnh Hoa (43 tuổi), Trần Thị Ngọc Bích (39 tuổi, cùng trú quận Lê Chân, TP Hải Phòng), Bạch Thị Thanh (30 tuổi, TX Hoàng Mai, Nghệ An) về tội Sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức.

Một người liên quan khác là Wu Jin Biao (Quốc tịch Trung Quốc) hiện đã bỏ trốn và bị công an phát lệnh truy nã.

Theo cáo trạng, năm 2017, Chao Yang và Wu Jin Biao góp tiền mở chuỗi phòng khám đa khoa trên toàn quốc gồm: Phòng khám Đa khoa Hữu Nghị (TP Đà Nẵng), Phòng khám Đa khoa Hồng Phát (TP Hải Phòng), Phòng khám Đa khoa Trường Hải (tỉnh Hải Dương), Phòng khám Đa khoa Lê Lợi (tỉnh Nghệ An) và Phòng khám Đa khoa Thái Dương (tỉnh Đồng Nai).

Hai bị cáo này góp vốn chui và không thông qua đăng ký đầu tư theo luật pháp Việt Nam. Đồng thời, đăng ký kinh doanh là do người Việt Nam đứng tên nhưng việc điều hành, chỉ đạo là do hai bị cáo này thực hiện.

Trong hoạt động, Lin Chao Yang có vai trò phụ trách chung, trực tiếp điều hành Phòng khám đa khoa Hồng Phát.

Wu Jin Biao trực tiếp điều hành Phòng khám đa khoa Hữu Nghị và Phòng khám đa khoa Lê Lợi.

Phạm Thị Quỳnh Hoa là trợ lý của Lin Chao Yang, có vai trò chỉ đạo các nhân viên hành chính- nhân sự tại các phòng khám.

Trần Thị Ngọc Bích là nhân viên hành chính- nhân sự tại Phòng khám đa khoa Hồng Phát và có nhiệm vụ xin cấp đăng ký hành nghề cho các bác sĩ Trung Quốc.

Đồng thời, Phạm Thị Quỳnh Hoa chỉ đạo Bích có trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ cho Bạch Thị Thanh các giấy tờ thủ tục xin cấp đăng ký hành nghề cho các bác sĩ Trung Quốc tại Phòng khám đa khoa Hữu Nghị.

Biết các quy định về khám chữa bệnh của Việt Nam có nhiều chặt chẽ, buộc phải biết tiếng Việt hoặc phải thuê người phiên dịch thì mới được cấp phép hoạt động.

Khi tuyển dụng các bác sĩ Trung Quốc và các phiên dịch viên, Lin Chao Yang và Wu Jin Biao biết rõ những người này không có Giấy chứng nhận đủ trình độ phiên dịch tiếng Trung trong khám bệnh, chữa bệnh cũng như các giấy phép hành nghề.

Tháng 6-2018, Wu Jin Biao cùng Lin Chao Yang thống nhất đặt làm giả các loại giấy tờ liên quan để hoàn thiện hồ sơ cấp phép.

Từ năm 2018 đến năm 2019, Ling Chao Yang và Wu Jin Biao đã thống nhất đặt làm giả 16 giấy chứng nhận đủ trình độ phiên dịch tiếng Trung trong khám chữa bệnh của các cá nhân viên tại Phòng khám đa khoa Hữu Nghị và Phòng khám đa khoa Hồng Phát.

Sau đó, chỉ đạo Phạm Thị Quỳnh Hoa, Trần Thị Ngọc Bích và Bạch Thị Thanh đưa các giấy tờ giả này nộp lên cơ quan chức năng để đăng ký khám chữa bệnh cho các bác sĩ người Trung Quốc.

Dù biết là giấy tờ giả nhưng Phạm Thị Quỳnh Hoa, Trần Thị Ngọc Bích và Bạch Thị Thanh đã nhiều lần sử dụng các giấy này gửi đến Cục quản lý khám chữa bệnh – Bộ Y tế, Sở Y tế thành phố Hải Phòng, Sở Y tế thành phố Đà Nẵng để làm hồ sơ.

Khai nhận tại toà, ba bị cáo Phạm Thị Quỳnh Hoa, Trần Thị Ngọc Bích và Bạch Thị Thanh đã nhận lỗi và nhận ra sai lầm của mình. Riêng bị cáo Lin Chao Yang thì quanh co chối tội về các hành vi nêu trên.

HĐXX sau đó đã tuyên phạt Lin Chao Yang 3 năm tù, Phạm Thị Quỳnh Hoa 2 năm 6 tháng tù, Trần Thị Ngọc Bích 1 năm 6 tháng tù và Bạch Thị Thanh 1 năm 6 tháng tù treo cùng về tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức.

2025.4.1 Mất gần 1,5 tỷ đồng vì liên lạc với “người thân” qua Facebook

Công an tỉnh Thanh Hóa vừa bắt giữ 2 đối tượng chuyên lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng.

Ngày 1/4, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa đã bắt giữ 2 đối tượng gồm Nguyễn Thành Đông (SN 1997) và Nguyễn Công Chánh Hưng (SN 2004), cùng trú tại huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trước đó ngày 27/3, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm từ bà L.T.V. (SN 1963), trú tại thị trấn Hà Trung, huyện Hà Trung, về việc bị một đối tượng giả mạo người thân liên lạc qua Facebook, lừa đảo chiếm đoạt gần 1,5 tỷ đồng.

Nguyễn Thành Đông (trái) và Nguyễn Công Chánh Hưng (Ảnh).

Sau 4 ngày điều tra, lực lượng chức năng đã bắt giữ Nguyễn Thành Đông và Nguyễn Công Chánh Hưng. Khám xét khẩn cấp nơi ở của 2 đối tượng, cảnh sát thu giữ 4 điện thoại di động, một máy tính bảng, một máy tính để bàn và 235 triệu đồng tiền mặt.

Tại cơ quan công an, 2 đối tượng khai nhận đã rủ nhau lên mạng Internet tìm hiểu và học cách lập tài khoản Facebook, giả danh những người Việt Nam làm ăn, sinh sống ở nước ngoài. Sau đó, chúng sử dụng tài khoản giả mạo này để liên lạc với người thân của họ, đề nghị chuyển tiền về Việt Nam để đổi sang tiền nước ngoài.

Để thực hiện hành vi lừa đảo, các đối tượng đã mua điện thoại, sim rác, tài khoản Facebook, rồi liên hệ với các bị hại để dụ dỗ chuyển tiền vào số tài khoản do chúng cung cấp. Đồng thời, chúng còn liên hệ với các nhóm Telegram chuyên rửa tiền để nhận tài khoản ngân hàng nhằm hợp thức hóa dòng tiền lừa đảo.

Ngoài vụ lừa bà L.T.V. ở huyện Hà Trung, nhóm này còn thực hiện một vụ lừa đảo khác tại phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội, chiếm đoạt số tiền gần 350 triệu đồng.

Trước tình trạng này, cơ quan công an khuyến cáo người dân khi sử dụng mạng xã hội Facebook cần hết sức thận trọng. Tuyệt đối không truy cập vào các đường link lạ, không cung cấp thông tin cá nhân, địa chỉ, số điện thoại hay số tài khoản ngân hàng cho những đối tượng không quen biết.

Ngoài ra, cần nâng cao cảnh giác trước các thủ đoạn nhắn tin vay tiền, đổi tiền, chuyển tiền qua Facebook. Khi phát hiện dấu hiệu nghi vấn, người dân cần tỉnh táo nhận diện và báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để được hướng dẫn và xử lý kịp thời.

评论

发表回复

您的邮箱地址不会被公开。 必填项已用 * 标注

More posts