Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Giám đốc Công ty CP phát triển nhân lực lĩnh án
09/11/2023 – 19:07
Kết thúc phiên toà ngày (9/11), HĐXX sơ thẩm TAND TP.Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Đinh Thị Quỳnh, Giám đốc Công ty CP phát triển nhân lực Jako – Công ty Jako và Công ty TNHH phát triển nhân lực và hợp tác quốc tế IDC – Công ty IDC, mức án 16 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo cáo trạng truy tố, 2 công ty trên không được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, do cần tiền để chi tiêu cá nhân, bị cáo Quỳnh đưa ra thông tin và nhiều thủ đoạn gian dối, tư vấn về trường học, thủ tục và chi phí du học tại các trường Dongduk, ILBU, Kangnam ở Hàn Quốc, rồi ký hợp đồng và cam kết trong thời hạn 3-6 tháng sẽ đưa các bị hại đi du học và xuất khẩu lao động.
Để các bị hại tin tưởng chuyển tiền, Quỳnh nhờ người làm giả Invoice (thông báo nộp học phí của các trường Hàn Quốc) để chuyển cho các bị hại.
Bị cáo còn yêu cầu các bị hại nộp tiền để mở sổ tiết kiệm tại Ngân hàng Woori (ngân hàng của Hàn Quốc tại Việt Nam) và Ngân hàng Sacombank với lý do để chứng minh tài chính. Tin tưởng bị cáo, các bị hại đã ký hợp đồng tư vấn du học và nộp tiền.
Quỳnh dùng tiền của các bị hại để chi tiêu cá nhân và chi cho hoạt động của công ty mà không làm thủ tục cho họ đi du học và xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan như đã hứa. Quá thời hạn cam kết, các bị hại không được xuất cảnh cũng không được trả lại tiền.
Kết quả điều tra cho thấy, trong các năm 2020, 2021 nhiều người bị hại đã đến Công ty Jako để được tư vấn sang Hàn Quốc du học. Theo cáo buộc, từ tháng 5/2018 đến tháng 3/2022, bị cáo đã chiếm đoạt hơn 5,2 tỉ đồng của 28 cá nhân và tổ chức có nhu cầu đi du học và xuất khẩu lao động.
Trong nhóm các bị hại muốn sang Hàn Quốc du học bị Quỳnh lừa đảo chiếm đoạt tiền, có chị Vũ Thanh H. và em trai (ở Thái Bình). Theo đó, khoảng tháng 8/2021, chị H và em trai có nhu cầu đi du học Hàn Quốc. Chị H. đã gọi điện đến Công ty Jako để hỏi thủ tục và được Quỳnh tư vấn nên đã ký hợp đồng, đặt cọc 20 triệu đồng.
Ngày 5/10/2021, theo yêu cầu của Quỳnh, chị H. nộp thêm 464 triệu đồng với mục đích mở sổ tiết kiệm tại ngân hàng Wooribank để chứng minh tài chính.
Để tiếp tục chiếm đoạt tiền của chị H, bị cáo còn làm giả Invoice gửi cho họ để lấy lòng tin, tiếp tục chuyển tiền.
Sau khi nhận tổng số tiền 714 triệu đồng của chị H, bị cáo không làm thủ tục gì để đưa chị em chị H. đi du học tại Hàn Quốc, cũng không trả lại tiền.
Các bị hại có đơn yêu cầu xử lý bị cáo theo quy định của pháp luật và yêu cầu bà Quỳnh trả lại số tiền đã chiếm đoạt.
Tại toà, Quỳnh thừa nhận hành vi lừa đảo và cho biết, bị hại tin tưởng nộp tiền bởi trước đó, Quỳnh đã đưa được một số người đi du học, xuất khẩu lao động. Quỳnh cũng thừa nhận công ty không có chức năng đưa người đi lao động ở nước ngoài mà phải qua các doanh nghiệp khác.
Sau khi nghị án, căn cứ vào toàn bộ hồ sơ vụ án, các tình tiết liên quan cũng như diễn biến tại phiên tòa, HĐXX sơ thẩm TAND TP. Hà Nội đã quyết định tuyên phạt bị cáo Quỳnh với mức án và tội danh như đã nêu trên.
Nữ doanh nhân lừa đảo, chiếm đoạt hơn 1.200 tỷ đồng
10/11/2023 – 11:13
Cơ quan Công an xác định bà Hạnh đã huy động vốn của nhiều bị hại, một phần để xoay vòng trả lãi cho nhà đầu tư, phần còn lại thì nữ doanh nhân này chiếm đoạt.
Ngày 10/11, Công an quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Phạm Mỹ Hạnh (43 tuổi, trú quận Cầu Giấy), Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo Công an quận Cầu Giấy, tháng 8/2017, bà Hạnh thành lập công ty và nắm giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Tháng 11/2022, bà Hạnh đưa thông tin sai sự thật về dự án đầu tư trồng cây sâm Ngọc Linh ở nhiều địa phương với lợi nhuận hấp dẫn, lãi cao để nhằm mục đích huy động vốn của các nhà đầu tư.
Tổng số tiền mà nữ doanh nhân này huy động được của nhiều người là hơn 1.200 tỷ đồng. Số tiền này, một phần bị can Hạnh dùng để xoay vòng trả lãi cho nhà đầu tư, phần còn lại thì chiếm đoạt.
Quá trình điều tra vụ án, cơ quan Công an đã khám xét nơi ở, nơi làm việc và thu giữ nhiều tài liệu, tang vật có liên quan đến công tác điều tra.
Hiện Công an quận Cầu Giấy đã tống đạt các quyết định và lệnh nêu trên.
‘Con bạc’ vẽ ra bẫy hùn vốn mua chung đất rồi ‘nướng’ vào cờ bạc
11/11/2023 – 19:40
Để có tiền chơi cờ bạc, Cầu đã vẽ ra cái bẫy mua chung bất động sản rồi lừa anh C. và anh H. vào “tròng”.
Ngày 11/11, Công an tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra TP.Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc đã khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Dương Đức Cầu (trú tỉnh Vĩnh Phúc) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Quá trình điều tra, cơ quan Công an xác định Cầu làm nghề môi giới bất động sản. Qua các mối quan hệ xã hội, cầu quen biết với anh T.M.C và anh L.V.H. (cùng ở huyện Vĩnh Tường).
Đầu tháng 10/2021, Cầu rủ anh C. và anh H. góp vốn mua chung hai thửa đất khoảng hơn 200m2 tại Trại Giao, phường Khai Quang, TP. Vĩnh Yên. Cầu nói với anh C. và anh H. giá mua hai thửa đất này rất “hời”, sau khi mua sẽ nhanh chóng bán lại được với giá cao hơn, số tiền chênh lệch chia đều cho mọi người theo tỷ lệ vốn góp.
Tin tưởng vào những gì Cầu nói, anh C. đã chuyển cho Cầu 300 triệu đồng, anh H. đưa cho Cầu 400 triệu đồng để mua đất.
Khi anh H. đề nghị Cầu đưa đi gặp trực tiếp chủ đất, Cầu đưa anh H. đến cổng một nhà dân ở TDP Hán Lữ, phường Khai Quang gặp một người đàn ông tên là Mẫn. Anh H. không nghi ngờ gì nên đã chuyển tiền đặt cọc mua đất cho người này. Tuy nhiên, quá trình chuyển tiền đặt cọc không thấy Cầu hay người đàn ông tên là Mẫn làm giấy tờ gì.
Cũng trong tháng 10/2021, Cầu tiếp tục rủ anh C. và anh H. góp vốn chung mua thửa đất hơn 200m2 ở TDP Minh Quyết, phường Khai Quang, TP.Vĩnh Yên. Tin tưởng vào thông tin mà Cầu đưa ra, anh C. đã chuyển 500 triệu đồng, anh H. đưa 250 triệu đồng cho Cầu để nộp tiền đặt cọc. Lần này, anh C. cũng đề nghị Cầu đưa đi gặp chủ đất để trực tiếp chuyển tiền đặt cọc và Cầu lại đưa anh C. đến gặp Mẫn.
Lần này, cũng giống như trường hợp của anh H, anh C. chuyển tiền đặt cọc cho người đàn ông tên là Mẫn nhưng Cầu và người đàn ông này cũng không làm giấy tờ gì liên quan đến việc nhận tiền đặt cọc.
Tiếp đó, ngày 16/10/2021, Cầu lại rủ anh C. góp tiền mua chung một thửa đất tại Trại Giao, phường Khai Quang. Anh C. đồng ý và chuyển cho Cầu 50 triệu đồng để đặt cọc thửa đất. Tổng số, anh C. đã chuyển cho Cầu 850 triệu đồng, anh H. chuyển cho Cầu 650 triệu đồng.
Một thời gian sau, anh C. và H. nhiều lần đề nghị Cầu bàn giao giấy cọc các thửa đất nêu trên, nhưng Cầu đưa ra nhiều lý do để trì hoãn. Cuối cùng, Cầu đã phải thừa nhận không sử dụng số tiền anh C, anh H. đưa cho Cầu để mua bán bất kì thửa đất nào, mà thực tế Cầu đã chiếm đoạt tiêu xài cá nhân hết số tiền này.
Tại cơ quan điều tra, Dương Đức Cầu đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Đối tượng cho biết, các thông tin đưa ra về việc mua bán đất đều không đúng sự thật. Người đàn ông tên là Mẫn mà Cầu đưa anh H. và anh C. đến gặp để giao tiền đặt cọc không phải là chủ các thửa đất.
Trên thực tế, chủ sở hữu hợp pháp của các thửa đất nêu trên không có bất kỳ mối quan hệ gì với Cầu và không giao cho Cầu bán các thửa đất nêu trên. Đến nay, Cầu đã dùng toàn bộ số tiền của anh H, anh C. để chơi lô đề, cờ bạc và không còn khả năng tài chính để trả lại.
Lừa đảo bằng hình thức bán, cho thuê phần mềm định vị, giám sát
10/11/2023 – 20:39
Ngày 10/11, thông tin từ Công an tỉnh Hải Dương cho biết, cơ quan CSĐT đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với 3 đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức bán, cho thuê phần mềm định vị, giám sát.
Các đối tượng gồm: Đỗ Việt Hùng (SN 1989, ở TDP Đông Hòa 1, phường Đồng Tâm, TP. Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc); Lê Trường Giang (SN 2000, ở thôn Hoàng Oanh, xã Hương Sơn, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc); Đào Thanh Bình (SN 1991, ở phường Khai Quang, TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc).
Theo điều tra, do không có việc làm ổn định, để có tiền tiêu xài cá nhân, các đối tượng đã giả bán phần mềm định vị, giám sát điện thoại qua mạng xã hội rồi chiếm đoạt tiền của người đặt mua phần mềm.
Để thực hiện hành vi, các đối tượng đã lập và sử dụng fanpage “Công ty phần mềm định vị WPTT” và fanpage “Công ty phần mềm công nghệ cao JPS” trên mạng xã hội, rồi thuê quảng cáo với nội dung phần mềm có khả năng định vị, giám sát điện thoại, nghe lén, đọc tin nhắn điện thoại người khác trên các ứng dụng.
Sau đó, các đối tượng đưa ra các thông tin gian dối, tạo sự tin tưởng cho người mua chuyển tiền. Sau khi nhận được tiền, các đối tượng chặn liên lạc và chiếm đoạt tiền của người bị hại. Với thủ đoạn này, từ ngày 08/5/2023 đến ngày 20/6/2023, các đối tượng đã lừa đảo chiếm đoạt hơn 135 triệu đồng của 21 người trên khắp cả nước.
Trên cơ sở kết quả điều tra, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hải Dương đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Đỗ Việt Hùng, Lê Trường Giang, Đào Thanh Bình về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo khoản 2 Điều 174 Bộ luật Hình sự. Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đã hoàn tất hồ sơ để chuyển VKSND tỉnh đề nghị truy tố các bị can trên về tội danh trên.
Cơ quan chức năng khuyến cáo việc tự ý sử dụng các thiết bị, phần mềm theo dõi, giám sát các hoạt động của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi không được cơ quan có thẩm quyền cho phép là hành vi vi phạm pháp luật.
Người dân cần hiểu rõ về quy định liên quan; không nên mua hoặc thuê các phần mềm, ứng dụng giám sát, định vị trên các trang mạng xã hội khi chưa xác thực được tổ chức, các nhân tư vấn, cung cấp sản phẩm, thiết bị, tránh nguy cơ bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Giả danh công an gọi điện lừa đảo trên không gian mạng
11/11/2023 – 08:32
Ngày 11/11, thông tin từ Công an huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa cho biết, đã kịp thời ngăn chặn 2 vụ “lừa đảo trên không gian mạng” với số tiền hàng trăm triệu đồng.
Theo đó, bà Nguyễn Thị Tăng (SN 1955, trú tại thôn Thọ Đồn, xã Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Lộc) bị các đối tượng tự xưng, giả danh là cán bộ Công an, Viện Kiểm sát, gọi điện thoại đe dọa bà có liên quan đến một vụ án ma túy, sẽ bị tạm giam 4 đến 6 tháng.
Tiếp theo, các đối tượng yêu cầu bà Tăng mở tài khoản ngân hàng, nộp vào đó số tiền 300 triệu đồng, sau đó cung cấp thông tin, tài khoản cho các đối tượng này và phải tuyệt đối giữ bí mật về nội dung trên.
Vì quá sợ hãi, bà Tăng đã đến Phòng giao dịch Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LPBank) chi nhánh huyện Vĩnh Lộc để rút tiền và thực hiện theo các yêu cầu của đối tượng.
Cũng với thủ đoạn tương tự, một số đối tượng mạo danh cơ quan Công an đã gọi điện thoại cho ông Hoàng Dũng Thiệu (SN 1966, trú tại thôn 6, xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lộc) đe doạ ông có liên quan đến một vụ buôn bán ma tuý.
Sau đó, chúng yêu cầu ông Thiệu mở tài khoản ngân hàng, nộp vào đó số tiền 400 triệu đồng và cung cấp thông tin, tài khoản cho các đối tượng này.
Ông Thiệu đã đến Phòng giao dịch Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LPBank) chi nhánh huyện Vĩnh Lộc để tạo tài khoản ngân hàng và thực hiện theo yêu cầu của đối tượng.
Nhận được thông tin, Công an huyện Vĩnh Lộc đã phối hợp với Ngân hàng Bưu điện Liên Việt chi nhánh Vĩnh Lộc xác minh, làm rõ vụ việc. Đồng thời tuyên truyền, giải thích về các phương thức, thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng trên không gian mạng, giúp cho bà Tăng và ông Thiệu giữ lại số tài sản của mình.
Công an huyện Vĩnh Lộc khuyến cáo người dân cần đề cao cảnh giác với các thủ đoạn của tội phạm, tuyệt đối không chuyển tiền khi chưa biết cụ thể người nhận. Nếu phát hiện thông tin về tội phạm, người dân cần liên hệ với cơ quan Công an để được hỗ trợ, giải quyết.
发表回复